Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

CHIẾN TRANH - CHÍN KHÚC TƯỞNG NIỆM. Khúc thứ Tám: Cuộc chiến không đổ máu


Khúc thứ Tám
CUỘC CHIẾN KHÔNG ĐỔ MÁU

“Thép đã tôi Thế đấy” cháy sém
rách nát “Thánh kinh”
lính Đại học Xây dựng
chia động từ tiếng Nga
trên giấy gói lương khô “Bảy lẻ hai” (702)
lính Sài Gòn rớt tú tài
viết từ vựng Anh ngữ khắp bao thuốc “Quân Tiếp Vụ”


NHỮNG TRẬN ĐÁNH TRONG IM LẶNG

Ngót bốn mươi năm trước
nơi này chứa mấy ngàn quân lính hai bên
nay đông gấp nhiều lần
những bộ xương khúc xương tro xương
chẳng cần nhiều không gian như khi sống

không còn sống nhưng không chết nữa
như nắng mưa - linh hồn bất tử
không đòi phong thánh thần
không cần dựng tượng đài lăng tẩm
mọi danh tụng danh xưng chỉ người sống mới cần

những hồn ma ở Cổ thành Quảng Trị
đùa nghịch suốt ngày bay nhảy thâu đêm
đã gần bốn mươi năm
bốn mươi năm…
                        bốn trăm năm
                                        bốn ngàn năm nữa…

ngày ấy chúng tôi vẫn còn đang lớn
quen ăn cơm mẹ nấu mặc áo chị khâu
mười bảy tuổi vào lính mười tám tuổi xa nhà
chưa bắn viên đạn nào
đã chết

chưa biết lo toan chưa quen xốc vác
vong linh lính trẻ - vong linh “thất nghiệp” !
uống sương ăn nắng hít thở hương hoa
đậu trên ngọn cây nhập vào ong bướm

nếu được cúng giỗ chúng tôi no đủ quanh năm
không có ai hương khói
đành phải ăn cháo lá đa dật bánh cô hồn

ở cõi lạnh tối này
những người lính đều tử tế
không bận tâm
           khi còn sống
                     mỗi người hướng mũi súng về đâu
người chết nghĩ khác người còn sống !

hương khói của chung vàng mã của chung
quân phục mặc chung súng đạn chơi chung
lúc vác B.40 khi ôm M.79
thằng thích AR.15 đứa mê AK.47
dép râu cao su, giày đinh da lộn
mũ cối, mũ nồi xanh…
“Thép đã tôi thế đấy” (1) cháy sém, rách nát “Thánh kinh”
lính Đại học Xây dựng chia động từ tiếng Nga
                           trên giấy gói lương khô “Bảy lẻ hai” (702)
lính Sài Gòn rớt tú tài
viết từ vựng Anh ngữ khắp bao thuốc Quân Tiếp Vụ       

đã thành hồn thành vong vô ảnh vô hình
Kinh Nhật tụng, quyết tâm thư cũng vô hình vô ảnh
với chúng tôi
Quảng Trị mãi mãi là chiếc cối khổng lồ xay thịt
Cổ Thành muôn đời sau vẫn chiến địa chiến trường 

- chỉ mấy ngàn người tử trận ở Thạch Hãn, Cổ Thành!...
- dăm ba trăm người bị lấp vùi đâu đó!
(những tuyên bố “xanh rờn”
                      nghe chợt rùng mình như trúng gió)
hay đông gấp chục lần trăm lần ?
bao giọng nói của “lính ba miền”
nghẹn ứ trong mạch đất gạch vụn thân cây
chẳng lẽ chỉ những người đã chết mới thấy mới hay!

không thể biết hay không muốn biết?
người sống không tin nhau
dễ gì tin người chết !
---------------------
(*) Tiểu thuyết nổi tiếng của Nikolai A.Ostrovsky

BA NGƯỜI ĐÀN BÀ

1
Mận quê ở vùng chè Bồng Lạng
từ nhỏ đã nghe tiếng mìn phá đá rung chuyển phố núi Kiện Khê
cắm trại thiếu nhi quanh chùa Bà Đanh
thoả thích nô đùa trong rừng vải chín

theo mẹ ngược Chi Nê bán chè
đến Ba Sao mua măng ngâm sắn lát
dập dềnh cầu phao ngã ba sông Châu sông Đáy
tháng mấy lần sang Phủ Lý họp chợ Chấn chợ Bầu

cậu học trò thị xã tuổi chớm mười lăm
lần đầu trong đời được gọi là “anh”
nửa thế kỉ qua đi
nhớ lại vẫn ngất ngây choáng váng

Mận đi mở đường Mận đến Trường Sơn
để lại rừng xanh cả thời xuân sắc
bệnh tật vàng da đục mắt
da đầu trốc lở trùm khăn bốn mùa
đầu không sợi tóc
                         trọc lốc vào chùa
chồng con chẳng bận
không xuất gia nào khác đi tu!

vong linh Sãi Mận dạt vào Quảng Trị
không được làm mẹ trên đời
Trời cho làm mẹ bao người cõi Âm
không làm mẹ hài nhi
Mận làm Mẹ linh hồn Tử sĩ
lính chết trẻ ngàn năm vẫn trẻ
dưới đất lạnh càng cần có mẹ…

2
Má Chín Mỹ Tho
mười ba tuổi theo gánh cải lương
trôi dạt khắp châu thổ sông Hậu sông Tiền
thằng Hai da trắng mắt đen
nết giống thầy đờn, mặt như kép hát

trốn lính
con má ngày đêm chui nhủi dưới ghe
ngủ trong khoang gạo lứt đậu mè
kéo đờn cò sau bồn nước mắm
trốn thoát dăm năm
Hai phải đi quân dịch

hạ trại cổng Tây Thành Cổ ngày năm
đêm mồng sáu quan lính ngủ vùi
                                    chết vùi vì pháo kích
- “đại đội giặc bị diệt hoàn toàn
hơn trăm tên tan xác!..”

không ham về miền Cực Lạc
càng không muốn đầu thai trở lại làm người
má xin Đức Phật cho về Thành Cổ
- “xương thịt linh hồn Thằng Hai còn đâu đó!…”

3
Thằng Bin
thần đồng toán học bang Atlanta
không bóng gậy bóng chầy
không Uytski bạn gái

giấy nháp trắng sàn nhà
tìm nghiệm số thâu đêm
là chú lính kém nhất sư đoàn
chục lần bắn bia chục lần “đuổi quạ”

Bil ngắm Thành Cổ qua mắt kính “đít chai”
trúng đạn
chiếc trực thăng cháy bùng nổ như sấm sét
hàng triệu mảnh kim loại, thịt xương
                                     chìm xuống dòng Thạch Hãn

bà Jên khóc con lạc giọng rạc người
chết trong đêm Giáng sinh Bảy hai (1972) kinh hoàng ấy
linh hồn được Chúa cho “định cư” ở Cổ thành

ba người đàn bà nương tựa chở che nhau
vật vã ở ngọn cây khóc cười trong sương khói
quanh năm nhìn bọn trẻ “đánh nhau”
không thắt ruột lo âu khi đàn con lâm trận

lúc còn sống chĩa súng vào nhau
không giết người sẽ bị người tiêu diệt
chết vì bom đạn
những người lính lại tiếp tục chiến tranh
trên vạt mây
nóc nhà
dưới đáy sông lòng đất
cuộc chiến vui vẻ trong sáng tốt lành
không đổ máu không rơi nước mắt
lương tâm sáng trong
danh dự vẹn toàn…

những Hồn Lính chơi trò chiến tranh
không “chết” nữa, có còn gì để mất!
không “chú” nào là ta, chẳng “cậu” nào là “địch”

mấy trăm ngàn hồn lính
chỉ có vài đứa mắt xanh mũi lõ quê Látvêgát, Bốtstơn
lọt thỏm giữa những người lính giọng Cao Lãnh Quảng Nam Bắc Cạn…
lúc còn sống người hiền kẻ ác
giờ ngây thơ như bê như nghé
coi nhau như bè bạn anh em…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét